Du học Mỹ ký sự

Du học Mỹ ký sự Tôi lên đường sang Mỹ làm học trò vào cuối thu, nhưng không có chuyện "mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp" như nhà văn Thanh Tịnh mô tả, mà luôn chóng mặt trên xa lộ 10 làn xe, với tốc độ hơn 100km/h.

Học ở Mỹ, điều khá thuận lợi là có thể lên mạng để đăng ký chọn lớp học, chọn thày cô. Chỉ cần ngồi ở nhà nhấp chuột, chọn lớp, thời khóa biểu thích hợp. Chưa hết, một "tuyệt chiêu" mà một "ma cũ" nói với tôi: "Nếu muốn điểm cao, học tốt, ngoài siêng năng thì cần phải có tuyệt chiêu. Nói rồi anh ta nhấp chuột vào website http://www.ratemyprofessors.com/index.jsp.

h

Trang này có tất cả nhận xét về thày cô trên toàn nước Mỹ. Thang điểm từ 1 (thấp nhất) đến 5 (cao nhất), thày cô nào "khó" sẽ được "tặng" một gương mặt buồn, thày cô "dễ" sẽ nhận được gương mặt vui. Lớp nào có đông sinh viên theo học sẽ có dấu hiệu trái ớt (hot).

Tôi đăng ký học hai năm đầu tiên tại đại học cộng đồng (community college) ở thành phố Houston (bang Texas), sau đó học hai năm chuyên ngành rồi mới chuyển lên đại học lớn (university) để đỡ tốn một khoản tiền đáng kể (học phí ở university đắt gấp ba lần tại community college).

Sách ở Mỹ giá rất đắt, một cuốn sách giá trung bình 50-70 USD, có cuốn lên đến gần 150 USD. Còn photocopy một trang là 10 cent (1.600 đồng tiền Việt Nam) mà chỉ được photo không quá 10% quyển sách. Một "ma cũ" khác lại bày: "Ông ra bảng thông báo kiếm mua lại sách của khóa trước, hoặc ra tiệm sách "nửa giá" mà tìm. Muốn rẻ hơn, vào các trang http://www.campusi.com/, http://www.fetchbook.info/, http://www.addall.com/ tìm mua sách, giá đôi khi rẻ gấp mấy lần".

Ngày đầu tiên đến lớp, tôi cứ nghĩ mình già nhất lớp vì đã sang tuổi 30 nên ráng đến lớp sớm để tỏ vẻ gương mẫu, kiếm một góc khuất nhất mà ngồi. Chỉ một lát sau, một người đàn ông tuổi trung niên mặc veston, đeo kính trắng rất trí thức bước vào lớp. "À, thày giáo đây rồi!". Tôi vừa mở miệng cười: "Xin chào, thày có khỏe không?", người đàn ông lắc đầu cười lớn: "Tôi cũng là sinh viên thôi!". Thì ra ở Mỹ, 29 tuổi đi học đại học hãy còn trẻ chán. Nhưng ông thày thật lại là anh chàng trẻ măng, mặc áo thun, quần jeans, tướng mạo rất thể thao.

"Các bạn đóng tiền đi học, vì thế hãy khai thác chúng tôi sao cho đáng đồng tiền", thày mở đầu buổi nói chuyện về cách học ở Mỹ như thế. Mỹ quả là thiên đường của học tập. Thư viện khổng lồ với đầy đủ Internet, máy đèn chiếu, DVD... Có khu tập thể thao với sân bóng, phòng tập thể hình đầy đủ tiện nghi. Có trung tâm âm nhạc với những buổi trình diễn đặc sắc. Học chưa hiểu bài? Luôn có giáo viên, sinh viên giỏi sẵn sàng phụ đạo. Gặp stress? Có hẳn bác sĩ tâm lý để tư vấn cho sinh viên...

Mua súng dễ như mua nước ngọt

àef

Chỉ với khoảng 300 USD, mọi công dân Mỹ trên 18 tuổi đều có thể sở hữu một khẩu súng (bán đại trà trong các siêu thị lớn).

Bạo lực trong trường học là một trong những mối lo hàng đầu của Mỹ hiện nay, an ninh khắp nơi thắt chặt. Ngoài lực lượng an ninh luôn túc trực 24/24, thỉnh thoảng trường lại tổ chức một cuộc báo động giả để "diễn tập". Tháng trước, báo đăng quá nửa sinh viên một trường trung học ở bang Texas nghỉ học vì có người gửi thư cho biết "hôm nay sẽ có vụ đọ súng để thanh toán ân oán giang hồ". Sau truy ra mới biết hôm đó có kiểm tra, song một học sinh chưa học bài nên bày trò để cả trường cùng trốn học!

Ở Mỹ, mua súng dễ như mua một lon nước ngọt. Cửa hàng bán súng đầy rẫy. Hằng tháng tại các bang đều có tổ chức các hội chợ súng, chỉ cần trên 18 tuổi và chưa từng có tiền án tiền sự là được quyền mua súng. Khalid, cậu bạn Mỹ 19 tuổi học chung trường với tôi, nói tỉnh bơ: "Ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra, chúng tôi cần phải có súng để tự vệ chứ". Thấy tôi nghi ngờ, cậu nhóc có vẻ tự ái, mở cốp xe hơi của mình và rút ra khoe một khẩu súng ngắn. "Sao có thể mua được súng ngắn và mang nó vào trường?" (ở Mỹ cấm mang súng vào trường học), tôi hỏi và Khalid nháy mắt ranh mãnh: "Mỹ mà, có tiền là có tất cả. Hơn nữa có ai kiểm tra từng người đâu"...

Sinh sống xa xứ

Hầu hết các sinh viên Việt Nam đến Mỹ du học đều có thể làm toán nhanh nhạy, nhiều lúc nhanh hơn cả bạn Mỹ. Tuy nhiên, với những phép tính đơn giản như ăn, ở, chi tiêu trên đất Mỹ như thế nào cho rẻ và thuận tiện nhất là bài toán đau đầu mà họ phải tính lui tính tới mà vẫn không xong.

Du học sinh có ba dạng ở: sống cùng với người Mỹ địa phương (homestay), ở ký túc xá của trường (sống chung với SV quốc tế khác) và chung phòng (kiếm người hùn tiền mướn căn hộ - apartment - ở chung). Hôm đó, tôi mất hơn một giờ đồng hồ đi xe bus đến nhà Long - em của người bạn - đang ở homestay. Đã gần 21h, đón tôi ở cửa, Long dẫn tôi theo lối gara vào nhà và thì thầm: "Khuya rồi, anh nói nhỏ, bà chủ ở đây khó lắm". Trong nhà ở đâu cũng dán đầy "nội quy". Trong nhà vệ sinh: "Phải giội nước thật kỹ, không ngồi xổm lên thành cầu", nhà bếp: "Không nấu thức ăn có mùi"... Long cho biết ở homestay không phải sắm đồ đạc vì đã có sẵn, tiếng Anh lại được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, tiền khá đắt, tùy tiểu bang giá 550-800 USD/tháng, có bao cơm từ một đến hai buổi.

Ở ký túc xá của trường, ở chung với các sinh viên quốc tế là môi trường rất tốt giúp sinh viên Việt nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới, cải thiện khả năng tiếng Anh. Chưa kể ký túc xá còn lo luôn chuyện ăn cho bạn nếu muốn, tuy giá khá đắt, khoảng gấp rưỡi so với bên ngoài. Vì thế cách phổ biến nhất là dán thông báo trên trường tìm người hùn tiền mướn căn hộ, vừa chủ động hơn trong việc tìm người phù hợp ở chung, giá lại có thể rẻ hơn nhiều.

Nguyên Vũ, sinh viên Oklahoma City University, dặn trước: "Ở chung với sinh viên nước ngoài phải chuẩn bị tinh thần có thể sẽ gặp trước một số chuyện bực mình: chén đũa ăn xong không rửa; phòng khách, bếp chẳng bao giờ dọn dẹp; đồ ăn làm sẵn để trong tủ lạnh bị ăn vụng; tiền lẻ "cất cánh" khi để quên ngoài phòng khách".

Ở Mỹ, nếu biết cách đi chợ, nấu ăn thì với 100 USD, sinh viên có thể ăn ngày ba bữa no và ngon trong một tháng. Quân, sinh viên Trường ĐH cộng đồng Houston (bang Texas), tiết lộ: "Muốn ăn ngon, giá rẻ thì nên thường xuyên coi báo để "canh" coupon giảm giá. Cuối tuần, các siêu thị thường có nhiều đồ giảm giá, đôi khi giảm đến 50-70%, tha hồ mua về chế biến". Nhớ lần đầu tiên tôi từ Mỹ về VN thăm nhà, một người bạn ngạc nhiên: "Mày nói ở bển cực, sao trong bóp toàn thẻ không vậy?". Mà thẻ nhiều thật, trong bóp tôi có ít nhất 12 thẻ: bốn thẻ đi chợ, hai thẻ ngân hàng, thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân...

Gần như quán tính, mỗi lần đi chợ điều đầu tiên là tôi hỏi xin thẻ làm thành viên miễn phí. Có thẻ này đi chợ mua đồ giá rẻ hơn. "Bài học đi chợ" mà nhiều bạn bè truyền lại cho tôi khi đi chợ là: mua thịt nên đi chợ Mỹ; mua rau, trái cây, gia vị thì đi chợ Việt hoặc chợ Mễ. Cái đầu tự nhiên nhạy như máy vi tính. Sau một thời gian lo chuyện ăn uống, nhắm mắt lại tôi có thể nói vanh vách không cần suy nghĩ giá thịt đùi, sườn heo non, thịt gà, bắp cải, cà chua, trứng, sữa… Tổng cộng khoảng 95 USD/tháng, nếu chịu khó tự nấu, có món ăn ngon đến mệt xỉu.

Trong khi mọi người tốn 80-100 USD tiền đi chợ một tháng thì Khoa, sinh viên Trường Edmonds, được cộng đồng sinh viên VN trong trường phong làm "cao thủ" khi cười đắc thắng: "Chưa đến một nửa giá đó vẫn có đầy đủ thịt, sữa, trứng, trái cây đàng hoàng". Nhưng "nói có sách mách có chứng", sáng thứ bảy tôi đi cùng Khoa. Sau hơn một tiếng đi xe buýt, Khoa dẫn tôi đến một căn nhà nhỏ ngay trung tâm Seattle: Food bank. Thì ra đây là nơi cung cấp thực phẩm miễn phí hai ngày/tuần cho người vô gia cư, thất nghiệp.

fgdg

"Xin ăn" tại Food bank: cung cấp thực phẩm miễn phí cho người vô gia cư, thất nghiệp.

Mới 9h đã có khá nhiều người chờ. Xe hơi đậu ken bãi. Cùng xếp hàng, tôi bất ngờ nhận ra khá nhiều gương mặt quen học chung trường. Thủ tục khá đơn giản, chỉ cần xuất trình số an sinh xã hội (social security number) hoặc chứng minh nhân dân là được. Đồ ăn miễn phí nhưng khá chất lượng, mỗi phần có đầy đủ thịt, trứng, sữa, đồ hộp... có thể ăn no suốt tuần. Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu thực phẩm cho người ăn chay, ăn kiêng và cả ăn tiệc cũng không ai rầy rà gì.

Luật Mỹ quy định du học sinh không được phép làm thêm ngoài trường học. Làm thêm trong trường thì việc ít, nhiều người đăng ký, nên cơ hội gần như không có. Vì phải lo chuyện cơm áo gạo tiền nơi xứ lạ, nhiều du học sinh đành phải đi làm chui.

Đừng tưởng ở Mỹ giỏi tiếng Mỹ là đủ để đi làm thêm và nói chuyện với mọi người. Ngoài những người bưng bê ở các tiệm phở tại Mỹ, hiếm ai có thể hiểu được nghĩa của chữ "diệt cò ke", "là zí" và "lạt" là gì. Tiếng Mỹ cả đấy. Vì thế, bài học đầu tiên của nghề bưng phở mà nhiều người phải học khi đi làm chui ở các tiệm phở là phải thuộc lòng thực đơn, mang một lúc được sáu ly cối trà đá trong tay và phải có một đôi tai quen cách phát âm tiếng Mỹ kiểu "trời ơi".

Sau vài ngày thử việc, ông chủ kêu N. lại: "Ngày mai, tao cho mày tiếp khách, nhận order (yêu cầu đặt món ăn). Làm cho cẩn thận, làm sai là tự bỏ tiền túi ra đền đấy". Ngày hôm sau, tiếp những người khách Mỹ đầu tiên, tuy có hơi run nhưng N. cũng nhận đặt món của khách khá trót lọt. Tuy nhiên, không ngờ lại gặp khó khăn với chính đồng hương của mình. Gặp hai vợ chồng người Việt trung niên vào tiệm, N. niềm nở tiếp từ ngoài cửa (dù sao cũng là đồng hương, phải phục vụ tận tình hơn chứ!). Bà vợ dõng dạc kêu: "Cho cô một diệt cò ke", ông chồng thì: "Cho chú một tô lạt".

Tưởng nghe nhầm, N. hỏi lại nhưng vẫn nghe y chang. Trong thực đơn làm gì có món diệt cò ke? Bụng đã "đánh lô tô", chết rồi, hôm nay là ngày đầu tiên làm chính thức, N. đánh bạo hỏi lần cuối: "Dạ thưa, diệt cò ke là gì?", bà khách nhìn từ đầu xuống chân N. như ngạc nhiên lắm và chỉ vào dòng chữ trong thực đơn: "Diet Coke nè!". Thì ra đó là nước uống Coca Cola dùng cho người ăn kiêng.

Bà khách còn "tốt bụng" khuyên: "Con mới từ VN qua phải không, hèn gì tiếng Anh tệ quá. Ráng học thêm tiếng Anh cho kha khá mới dễ xin việc làm con ơi!". Chưa hết, ông chồng vừa đụng vô tô phở mấy miếng đã kêu N. lại rầy rà: "Sao lạt nhách vậy nè?", "Dạ, thì chú yêu cầu rõ ràng cho một tô lạt mà, con đã dặn đầu bếp bỏ thật ít muối thôi".

Ông khách kêu trời và lấy ngón tay chỉ vào chữ large (lớn) trên thực đơn: "Tao yêu cầu tô lớn chứ có kêu lạt mặn gì đâu, học tiếng Anh ở đâu mà yếu xìu vậy?". Tiếng Mỹ của người Việt thì ra là như vậy! Người Việt nói tiếng Mỹ như thế, gặp người Hàn Quốc còn khủng khiếp hơn, khi họ nói: "Là zí, please" (Xin vui lòng, là zí) thì phải biết đó là họ muốn một tô lớn (large).

Muốn làm "lính" bưng phở phải thuộc tính nết của từng loại khách. Khách Hàn thích ăn hành tây, gặp khách Mễ phải luôn để sẵn thật nhiều chanh, gặp khách da đen phải luôn có sẵn chai xì dầu trên bàn để họ pha và uống chung với… nước trà! Chưa kể, phải luôn để ý vì họ có lắm "trò ma". Nhiều người ăn gần hết rồi, lựa lúc người phục vụ không để ý, họ bỏ vào đó vài sợi tóc và kêu ầm lên. Lúc đó, dù biết rõ ràng khách muốn chuồn nhưng người phục vụ vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" đến xin lỗi rối rít và xin phép… không lấy tiền. Và dĩ nhiên, sau đó "bão tố" sẽ được trút hết lên đầu những người phục vụ.

Các tiệm Mỹ không dám nhận du học sinh vì như vậy là bất hợp pháp. Biết "phận làm chui", hầu hết du học sinh người Việt chỉ làm tại các nhà hàng, tiệm ăn của người Việt hoặc người Hoa. Biết được điều đó nên các ông chủ ép tối đa.

Luân, du học sinh tại Seattle, kể: "Hồi mới qua, đi lang thang tìm việc cả tháng cũng chưa có. Sau có một chợ nhỏ của người Việt cần người bốc vác, dọn dẹp em nhận lời ngay. Phải huỳnh huỵch vác gạo, khuân hàng liên tục.

Trời ở Seattle lạnh ngắt vậy mà mồ hôi vẫn đổ đầm đìa. Cực nhưng em nghĩ cũng được an ủi vì bà chủ tốt, nói chuyện rất ngọt ngào. Giữa buổi làm có mang bánh, nước ngọt cho uống. Đến bữa đưa cơm canh cho ăn. Cuối tháng lãnh lương, em tưởng mình nhầm khi đếm chỉ được 500 USD (khoảng 4 USD/giờ). Em thắc mắc thì bà chủ mặt lạnh băng: Chị trừ tiền ăn của em. Chưa kể thời gian ăn trưa, nghỉ giải lao, chị cộng ra hết rồi nè, sao tính vào lương được?".

Ở VN, nghe nói làm thêm ở Mỹ được trung bình 8 USD/giờ. Chuyện đó có thật, nhưng con số may mắn đó chỉ chiếm chưa đến 10%. Ở những nơi tập trung đông người Việt như California hoặc Texas, kiếm được việc làm 5-5,5 USD/giờ đã mừng lắm rồi. 

Ngọc, du học sinh ở California, kể: "Ngày đầu tiên xin việc, chủ ngọt ngào đưa ra mức lương 50 USD/ngày làm từ 12h đến khoảng 21h (khoảng 5 USD/giờ). Nhưng vào làm rồi mới biết, 21h đóng cửa nhưng phải ở lại dọn dẹp đến gần 23h mới xong. Chưa kể làm cho tiệm ăn Tàu và Việt gần như phải chấp nhận một luật bất thành văn là "kiêm nhiệm". Công việc của Ngọc là chạy bàn nhưng gánh cả dọn dẹp, rửa chén và thậm chí chùi toilet. Hay như Hà (Houston, Texas) lại bị một kiểu "ép lương" khác: vào xin việc, chủ cho biết mức lương là 20 USD/ngày/11 giờ nhưng được hưởng tiền tip. Thấy quán cũng đông, Hà chấp nhận. Nhưng khi nhận lương tuần đầu, Hà ngớ người ra vì tiền tip ngoài phải chia cho nhân viên khác, còn phải chia 50% cho bà chủ.

(Theo Tuổi Trẻ)

Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét