Cách chọn môn học ở khóa dự bị

A-level (chứng chỉ A hay chứng chỉ dự bị) được đánh giá là "tiêu chuẩn vàng" để vào được các trường ĐH danh tiếng tại Vương quốc Anh.

Không phải du học sinh nào cũng biết chọn môn gì để học ở khóa A-level sao cho phù hợp với ngành sẽ học ở bậc ĐH tại Anh. Dù cùng một khóa cử nhân nhưng yêu cầu về môn học của các trường ĐH có thể khác nhau.

Môn học nên phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp

Nguyễn Trí Hiếu, du học sinh Trường CĐ John Leggott, cho biết: "Không nên có suy nghĩ rằng học ngành gì ở ĐH thì đồng nghĩa với việc phải chọn môn học A-level tương đương. Chẳng hạn, bạn muốn học tâm lý học không có nghĩa bạn sẽ phải học môn đó ở bậc dưới vì lên ĐH trường thường dành một thời gian khá dài để học và ôn lại những kiến thức cơ bản của ngành bạn học". Theo Nguyễn Trí Hiếu, việc chọn ngành học nên đa dạng, chẳng hạn không nên chọn quá nhiều môn hàn lâm mà phải viết luận nhiều như xã hội học, luật, chính trị, kinh tế. Do đó, nên hỏi trực tiếp với trường để nắm thông tin về môn học mà trường yêu cầu, đồng thời được hướng dẫn cụ thể.

Học sinh tìm hiểu thông tin Trường ĐH Manchester Metropolitan tại triển lãm du học Anh do Hội đồng Anh TP.HCM tổ chức. Ảnh: QUỐC DŨNG

Còn bà Phan Thị Bảo Phi, quản lý phát triển giáo dục Hội đồng Anh TP.HCM, khuyên: "Nếu kết quả học của các môn đã đăng ký ở khóa A-level không khả quan, nên xem xét chuyển hướng ngành học sang chuyên ngành khác và chuyển sang học khóa dự bị ĐH (Foundation) là khóa học một năm.". Các khóa Foundation thường được tổ chức ở ngay các trường ĐH hoặc các trường CĐ có mối liên kết đào tạo đầu vào cho các trường ĐH này. Do đó, nếu chọn Foundation thì cần phải chọn trường ĐH trước, sau đó hãy đăng ký học khóa dự bị ĐH hoặc tại trường ĐH đó hoặc tại trường CĐ mà trường có mối liên kết. Ngoài ra, nên xin lời khuyên của giáo viên phụ trách của trường đang theo học về việc chuyển đổi này.

Nhiều chứng chỉ để vào ĐH ngoài A-level

Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết nên tìm hiểu sự khác biệt giữa A-level, Foundation và BTEC vì A-level không phải là con đường duy nhất để đi đến thành công. Nếu xác định rõ ngành học và trường ĐH muốn đăng ký là các trường danh tiếng như Oxford, Cambridge… thì nên học A-level. Thêm vào đó, nếu đạt ba môn A-level với điểm A hoặc hơn thì sẽ có cơ hội rất lớn được chào đón tại các trường ĐH trên toàn Vương quốc Anh. Còn lại nên chọn Foundation và BTEC, dù các chứng chỉ này cũng có một số nhược điểm nhất định.

Khóa Foundation không được tất cả trường ĐH chấp nhận mà chỉ có một số trường ĐH nhất định cho phép. Nên kiểm tra những trường ĐH và khóa học nào chấp nhận khóa Foundation Kiến thức mà khóa Foundation trang bị cho sinh viên sẽ không sâu như A-level nên sinh viên sẽ gặp khó ở năm đầu tiên. Các khóa Foundation không phải là khóa chuẩn quốc gia do vậy chất lượng khóa học sẽ không đồng đều. Tuy nhiên, khóa Foundation thường đào tạo chuyên sâu về một ngành mà sinh viên sẽ học lên ĐH sau đó.

Chứng chỉ BTEC Nationals mang lại nhiều kinh nghiệm thực hành hơn A-level. Yêu cầu nhập học tối thiểu là bốn GCSEs, mức điểm A* đến C hoặc BTEC First Diploma trong ngành tương ứng. Chứng chỉ này thường được giảng dạy tại các trường CĐ, bao gồm chương trình học lý thuyết trên lớp và kết hợp các tiết thực hành. Không như A-level chỉ tập trung vào lý thuyết, các khóa BTEC thiết kế chú trọng đến kinh nghiệm làm việc. BTEC được khá nhiều trường ĐH ở Anh chấp nhận. Có hơn 100.000 sinh viên mỗi năm với chứng chỉ này đã học liên thông lên ĐH.

Các môn phù hợp ngành học

Khảo sát của Hội đồng Anh cho thấy khóa ĐH các ngành truyền thông, giáo dục, luật, báo chí, triết học, xã hội học thì có thể học bất kỳ môn gì ở bậc A-level. Đối với ngành kế toán, kiến trúc, tâm lý học thì cũng học bất kỳ môn gì nhưng đôi khi cần toán hoặc lý hoặc một môn khoa học; cũng như ngành kế toán không nhất thiết phải học môn kế toán ở bậc A-level. Đối với ngành nông nghiệp thì nên chọn môn hóa học, đôi khi sinh vật; ngành kinh doanh, máy tính, kinh tế học cần toán; ngành kỹ sư hóa nên học toán và hóa; ngành kỹ sư điện học toán và lý; ngành địa chất học toán, lý hoặc hai môn khoa học bất kỳ; ngành sinh hóa thì học môn hóa và một trong ba môn sinh, toán, lý; ngành hóa học cần học hóa và toán hoặc lý; ngành vật lý cần lý và toán; còn ngành khoa học môi trường có thể học bất kỳ hai môn khoa học nào. Đối với nhóm ngành sức khỏe như y học nên học hóa, sinh, lý hoặc toán; dược cần môn hóa và một hoặc hai môn khoa học; nha khoa nên học hóa và hai môn khoa học. Trong khi đó, ngành văn học Anh, toán, địa lý, nghệ thuật, âm nhạc, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha thì nên học đúng môn của ngành.

QUỐC DŨNG


Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét