Chiến lược cải tổ lãnh đạo cấp cao của Tập Cận Bình

Cùng với chiến dịch chống tham nhũng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tiến hành cải tổ nhân sự cấp cao trên quy mô lớn, từ trung ương đến địa phương và trong quân đội.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Năm 2014 được đánh giá là năm cao điểm trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với việc điều tra hàng loạt quan chức cấp cao nhất như cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương Lệnh Kế Hoạch.
Song song với chống tham nhũng, giới lãnh đạo tại Bắc Kinh cũng đang tiến hành một đợt cải tổ nhân sự trên quy mô lớn, từ trung ương đến địa phương và trong quân đội.
Chỉ riêng trong tháng 11/2014, lãnh đạo cao cấp của 6 tỉnh, thành phố gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc và Thanh Hải, được luân chuyển công tác. Trước đó, biến động nhân sự tại địa phương được chú ý nhất là việc Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm Vương Nho Lâm thay thế ông Viên Thuần Thanh đảm nhiệm chức bí thư tỉnh ủy Sơn Tây. Sơn Tây được coi là tỉnh trọng điểm trong chiến dịch chống tham nhũng, với việc hơn một nửa ban lãnh đạo tại đây bị điều tra, trong đó có ông Lệnh Chính Sách, anh trai của Lệnh Kế Hoạch.
Trong quân đội, hơn 40 tướng lĩnh của nước này đã bị điều chuyển vào những tháng cuối năm. Giáo sư Nê Lạc Hùng thuộc Đại học Sư phạm Thượng Hải nhận định rằng, động thái trên cũng giống như các quyết định điều động nhân sự tại địa phương, là nhằm tránh để một người giữ một vị trí trong quá lâu, từ đó có thể thiết lập phe cánh.
"Về bản chất, những nhóm nhỏ của một số cán bộ là một dạng nhóm lợi ích dùng quyền lực công để mưu lợi tư", People's Daily viết trong một bài xã luận hôm 5/1. "Hậu quả của việc này sẽ nguy hại đến quốc gia, dân tộc".
Tuy nhiên, biến động nhân sự được giới phân tích đặc biệt chú ý là việc ngày 31/12/2014, ủy viên Bộ Chính trị Tôn Xuân Lan, được điều động giữ chức trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương, chức vụ vốn để trống sau khi ông Lệnh Kế Hoạch bị điều tra.
Một ngày trước đó, People's Daily ra thông cáo cho biết bà Tôn thôi đảm nhiệm chức bí thư thành ủy Thiên Tân. Chức vụ này do thị trưởng thành phố Hoàng Hưng Quốc tạm thời kiêm nhiệm.
"Đây là lần biến động nhân sự cấp Bộ Chính trị đầu tiên từ sau Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc", bình luận viên Cary Huang của South China Morning Post nhận định. "Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đang có những bước đi chuẩn bị cho nhân sự cấp cao tại kỳ Đại hội 19".

Chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ mới


Năm ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc dự kiến sẽ về hưu sau Đại hội 19 vì lý do tuổi tác là (từ trái sang phải): Vương Kỳ Sơn, Trương Cao Lệ, Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang và Du Chính Thanh. Ảnh: SCMP
Bà Tôn Xuân Lan hiện nay là một trong những nữ chính trị gia cấp cao nhất của Trung Quốc. Theo Caixin, trước khi được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội 18 năm 2012, bà từng là bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến, địa phương mà Chủ tịch Tập từng công tác hơn 10 năm. Tuy nhiên, đường thăng tiến của nữ chính khách này bắt đầu từ tỉnh Liêu Ninh, miền đông bắc Trung Quốc. Tại đây, Tôn Xuân Lan là cấp dưới trực tiếp của Thủ tướng Lý Khắc Cường, khi đó là bí thư tỉnh ủy (2004-2007).
Ông Hoàng Hưng Quốc giữ chức thị trưởng Thiên Tân từ năm 2007, dưới quyền ông Trương Cao Lệ, người nay là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Trước đó, ông Hoàng từng có thời gian dài công tác tại tỉnh Chiết Giang, là cấp dưới trực tiếp của ông Tập Cận Bình.
Giới phân tích cho rằng việc ông Hoàng Hưng Quốc được đề bạt làm người đứng đầu thành phố cửa ngõ của thủ đô Bắc Kinh, cũng như mối quan hệ gần gũi của ông với giới lãnh đạo cao nhất nước, cho thấy chính khách này là ứng viên tiềm năng của Bộ Chính trị nhiệm kỳ sắp tới.
Theo quy định hiện hành, các ủy viên Bộ Chính trị không được phép tái cử nếu tuổi đời từ 68 trở lên. Vì vậy, 5 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị và 6 ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm sẽ về hưu sau Đại hội 19 dự kiến diễn ra vào năm 2017.
Giáo sư Steve Tsang từ Đại học Nottingham cho biết bố trí nhân sự cấp cao trong nhiệm kỳ mới chịu sự ràng buộc chặt chẽ từ các quy định được thiết lập từ thời cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. "Ông Tập Cận Bình biết rõ hơn ai hết về những điều này", chuyên gia này nói.
Chủ tịch Tập được cho là nhà lãnh đạo tập trung nhiều quyền lực nhất trên chính trường Trung Quốc kể từ sau thời đại Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Sự kiện Chu Vĩnh Khang cho thấy mức độ tập trung quyền lực của ông Tập trong kết cấu quyền lực của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc hiện nay. Lãnh đạo này được cho là đang thay đổi luật chơi trong giới chính trị thượng tầng của Trung Quốc.
Giáo sư Trương Minh thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định rằng Đại hội 19 là thời điểm quan trọng để Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố hơn nữa nền tảng quyền lực của mình. "Các thay đổi nhân sự sẽ tiếp tục diễn ra trong hai năm sắp tới, đặc biệt là tại các hội nghị trung ương nhóm họp định kỳ mỗi năm một lần", ông kết luận.

Bà Tôn Xuân Lan. Ảnh: Baidu
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét